Bé có vẻ thấp lùn, cần phải làm gì?

Nếu con bạn có vẻ thấp lùn, hoặc cha mẹ ông bà bé có chiều cao khiêm tốn là khi đó bạn cần phải chú ý đến phát triển chiều cao của trẻ. Sau đây là một cách tư duy để tiếp cận giải quyết vấn đề trên. Các đề mục gồm:
- Thấp lùn là như thế nào? Con bạn có thuộc nhóm nguy cơ thấp lùn không
- Khi nào cần phải chú ý đến chiều cao trẻ, để có biện pháp can thiệp kịp thời
- Vai trò của hormone tăng trưởng đến phát triển chiều cao
- Nếu có bé nguy cơ thấp lùn, thì bạn cần làm gì
1. Khi nào gọi là thấp lùn?
Trẻ bị coi là thấp lùn khi chiều cao theo tuổi thấp hơn -3 độ lệch chuẩn so với chuẩn tăng trưởng chiều cao bình thường của Tổ chức y tế thế giới (nếu trẻ dưới 2 tuổi) và bảng của CDC (nếu trẻ trên 2 tuổi)
Ví dụ trẻ 11 tuổi, được xem là thấp lùn nếu bé trai và bé gái dưới 130 cm; trẻ 12 tuổi, được xem là thấp lùn nếu bé trai và bé gái dưới 135 cm.
2. Con bạn có thuộc nhóm nguy cơ thấp lùn không?
Bé thuộc nhóm nguy cơ thấp lùn khi:
- Đạt chiều cao trong khoảng từ – 2 đến – 3 độ lệch chuẩn so với các bảng trên
- Có tốc độ tăng trưởng chiều cao đi ngang (đánh giá mỗi 6 tháng)
- Cha mẹ, ông bà thuộc nhóm có chiều cao dưới mức trung bình (nam dưới 168,1 cm và nữ dưới 156,2 cm)
- Tính dự đoán chiều cao khi trưởng thành của bé dưới mức trung bình nêu trên.
3. Thời điểm nào cần chú ý đến chiều cao của trẻ:
Tất cả các bé có nguy cơ thấp lùn, đều cần phải được chú ý đến phát triển chiều cao. Các thời điểm sau, cần phải chú ý đặc biệt đến phát triển chiều cao của trẻ:
- Khi thấy đường tăng trưởng chiều cao của bé đi ngang sau 6 tháng. Nghĩa là chiều cao của bé không tăng sau 6 tháng.
- Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu dậy thì.
Tại sao phải chú ý tại các thời điểm này?
Vì đây là thời điểm để quyết định xem bé có cần can thiệp hormon tăng trưởng hay không. Các trường hợp cần cân nhắc có thể liệt kê như sau:
- Tốt nhất là khi: trẻ có chiều cao ước tính khi trưởng thành thấp + bé vừa vào tuổi dậy thì + có biểu hiện trong vòng 6 tháng bé không cao hoặc cao ít.
- Cần cân nhắc thúc đẩy chiều cao khi bé gần 15 - 16 tuổi (lúc này chắc chắn đã dậy thì) + có chiều cao chưa đạt + chưa cốt hóa sụn tăng trưởng trên x quang xương (xem phần sau)
- Bs không khuyến cáo trong trường hợp sau: trẻ có chiều cao ước tính trưởng thành thấp là đã dùng hormone tăng trưởng khi vừa vào tuổi dậy thì.
Lưu ý quan trọng: các cân nhắc dùng hormone tăng trưởng nêu trên được chỉ áp dụng trong trường hợp bé không có bệnh lý gì khác, và phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Các bàn luận ở đây mang tính tham khảo và diễn giải để mọi người hiểu vấn đề, tuyệt đối không áp dụng thực tế mà không có ý kiến chuyên môn
4. Khi bé có nguy cơ thấp lùn, các việc cần làm là gì?
Xác định xem bé có thấp lùn hay chưa.
- Đo chiều cao của trẻ và so chiều cao của bé với biểu đồ phát triển chiều cao bình thường của Tổ chức y tế thế giới (nếu trẻ dưới 2 tuổi) và bảng của CDC (nếu trẻ trên 2 tuổi), để xem bé có thấp lùn không.
Bé gái (CDC - USA)
Bé trai (CDC - USA).
Tính dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành
- Dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành, dựa trên chiều cao giữa cha và mẹ được điều chỉnh theo giới tính, tham khảo phần phụ lục bên dưới bài viết.
Thực hành 3 nhóm biện pháp nhằm cải thiện chiều cao cho trẻ
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý:
- Đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, đặc biệt là protein, canxi, vitamin D, sắt và kẽm bằng cách khuyến khích trẻ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
2. Vận động thể chất thường xuyên:
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao phù hợp với lứa tuổi, giúp kích thích hormone tăng trưởng và phát triển xương khớp.
3. Liệu pháp hormone tăng trưởng:
- Trong một số trường hợp thiếu hụt hormone tăng trưởng đã được chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, việc sử dụng hormone tăng trưởng cần được theo dõi chặt chẽ bởi các chuyên gia nội tiết.
Cần lưu ý là nếu thấp lùn là do một bệnh lý cụ thể, việc điều trị bệnh nền là ưu tiên hàng đầu.
5. Những lưu ý khi dùng hormone tăng trưởng ở trẻ thấp lùn:
Hormone tăng trưởng (GH) có tác dụng mạnh mẽ nhất đến phát triển chiều cao trong giai đoạn tuổi dậy thì, khi các sụn tăng trưởng ở đầu xương dài còn hoạt động. Khi các sụn này cốt hóa (đóng lại) hoàn toàn, GH không còn khả năng kích thích tăng trưởng chiều cao nữa. Thông thường, cốt hóa sụn tăng trưởng hoàn toàn ở nữ giới, vào khoảng 16-18 tuổi và ở nam giới, vào khoảng 18-21 tuổi (xem hình: hình bên trái là chưa cốt hóa, còn sụn tăng trưởng, còn đáp ứng tốt với hormone tăng trưởng)
Như mọi loại dược phẩm, khi sử dụng hormone tăng trưởng cần chú ý đến tiền căn dị ứng thuốc, các phản ứng phụ có thể có. Đặc biệt vẫn phải thực hành các biện pháp kích thích phát triển chiều cao đã đề cập ở trên.
6. Phụ lục:
Chiều cao trung bình ở thanh niên Việt nam:
- Theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2019–2020, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 168,1 cm, nữ là 156,2 cm.
Bảng chuẩn phát triển chiều cao cân nặng của CDC - Hoa kỳ.
- Hiện chưa có bảng chuẩn tại Việt nam. Nên các giá trị mang tính tham khảo, và chính xác hơn khi trẻ chưa dậy thì, 11 - 12 tuổi.
Tính dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành
- Có 2 bước:
Bước 1 - tính chiều cao trung bình theo chiều cao mẹ và cha
Chiều cao tiềm năng ở trẻ gái = [(Chiều cao của cha - 13) + Chiều cao của mẹ] / 2
Chiều cao tiềm năng ở trẻ nam = [(Chiều cao của mẹ + 13) + Chiều cao của cha] / 2
(các giá trị tính bằng cm, và 13 cm là chênh lệch chiều cao trung bình của nữ giới và nam giới)
- Ví dụ, nếu chiều cao của cha 173 cm, mẹ 158 cm, thì chiều cao trung bình tiềm năng của con trai là 172 cm; của con gái là 159 cm
- Ý nghĩa của giá trị này: nếu mọi cái tối ưu, thì đây là giá trị trung bình chiều cao của trẻ đạt được khi trưởng thành.
Bước 2 - tính khoảng chiều cao trẻ có thể đạt được, với 95% độ chính xác
Khoảng = giá trị tính trong Bước 1 +/_ 8,5 cm
- Ví dụ, nếu kết quả Bước 1 là 168,5 cm; thì có đến 95% khả năng con bạn sẽ có chiều cao khi trưởng thành nằm trong khoảng 160 cm - 177 cm
Ts Bs Phan Tiến Lợi
Trưởng khoa Tim mạch, Bv Nhi đồng thành phố
Phụ trách chuyên môn Phòng khám
(bài viết tham khảo thông tin y khoa từ mdmanual)