Cách hạ sốt khi bé sốt cao, ngăn ngừa co giật do sốt

Tưởng tượng, con nhỏ, đêm khuya, sốt cao đùng đùng, bạn sẽ làm gì. Nhét thuốc hạ sốt chăng, cởi quần áo lau nước mát, hay nhúng vào chậu nước lạnh?
Bạn có thể làm mọi cách, nhưng nếu hạ sốt không hiệu quả bé sẽ có thể co giật do sốt cao, hoặc ngược lại nếu làm quá đáng bé sẽ cảm, viêm phổi do bị lạnh quá mức.
Trong bài này, bác sẽ giúp giải quyết các vấn đề trên, dựa trên các phân tích khoa học về:
- Cơ chế sinh sốt
- Nguy cơ của sốt cao co giật đối với trẻ
- Khi nào cần hạ sốt và khi nào cần khẩn cấp hạ sốt
- Các thuốc và dụng cụ nên có sẵn, phòng ngừa bé sốt cao
- Cách xử trí khi bé sốt cao
- Khi nào cần đi khám Bác sĩ
1. Cơ chế sinh sốt:
Trong cơ thể, nhiệt sinh ra do hoạt động co cơ, dị hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiệt mất đi chủ yếu tỏa ra trên da qua các hoạt động bay mồ hôi và bức xạ nhiệt ra môi trường.
Bình thường, nhiệt độ trong cơ thể được điều hòa quanh mức 37 độ C, được gọi là điểm cân bằng nhiệt bình thường, khi đó nhiệt sinh ra bằng với nhiệt mất đi.
Khi cơ thể bị xâm nhập bởi tác nhân gây viêm nhiễm, cơ quan điều hòa thân nhiệt sẽ tạo lập một điểm cân bằng rất cao. Khi khởi phát sốt, các hoạt động sinh nhiệt sẽ khởi phát mạnh mẽ, như run cơ và dị hóa chất dinh dưỡng; đồng thời các mạch máu dẫn ra bề mặt da sẽ co lại làm hạn chế quá trình thoát nhiệt. Chỉ trong vòng vài chục phút, nhiệt độ sẽ vọt lên rất cao, đôi khi đến 39 - 40 độ C. Trong các trường hợp này, bé mệt lả, run lập cập. Khi sờ đầu trán và thân mình thấy nóng hổi, trong khi tay chân thâm tím, lạnh ngắt.
2. Nguy cơ của sốt cao:
Nhiệt độ lõi bên trong nội tạng và não rất cao, lên đến trên 40 độ C, trong khi ngoài da lạnh ngắt. Nếu không hạ sốt kịp thời sẽ gây tổn thương các cơ quan nhạy cảm, đặc biệt là não bộ. Một số trẻ rất nhạy, sẽ gây co giật toàn thân, tím tái, lơ mơ. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương không hồi phục.
3. Khi nào cần hạ sốt
Mọi trường hợp sốt trên 38 độ đều cần hạ sốt
4. Khi nào cần khẩn cấp hạ sốt (hạ nhanh thân nhiệt về dưới 38 độ trong vòng 30 - 60 phút)
Do vậy, dễ thấy là cần phải hạ sốt ngay, trong các trường hợp có nguy cơ tổn thương các cơ quan do sốt cao. Đó là các trường hợp sau:
- Bé sốt trên 39 độ C
- Trước đây dã bị sốt co giật hoặc có anh chị em ruột, cha mẹ đã bị sốt co giật
- Có biểu hiện của sốt cao dọa co giật: đầu thân nóng hổi, da bông tím lạnh
5. Các thuốc và dụng cụ hạ sốt, nên chuẩn bị sẵn:
Nhiệt kế:
- Tiện nhất là loại điện tử bấm trên da trán. Chú ý là định kỳ kiểm tra pin và cài đặt của nhiệt kế, tránh hết pin và nhiệt kế theo độ C.
- Nhiệt kế thủy ngân cũng được, nhưng phải kẹp nách và đợi vài phút mới có kết quả.
Thuốc hạ sốt:
- Paracetamol uống, liều lượng 10 - 15 mg/kg/lần uống, ngày tối đa 4 lần. Các sản phẩm tphổ biến trên thị trường nhất là hapacol, efferalgan, tynelol...Nên mua sẵn và đọc trước liều lượng dùng.
- Paracetamol tọa dược (nhét hậu môn), dùng khi trẻ không chịu uống hoặc đêm hôm không muốn đánh thức trẻ uống thuốc. Trên thị trường là efferalgan tọa dược, mua sẵn để tủ lạnh, xem hướng dẫn cách dùng và liều dùng trên bao bì sản phẩm.
Dụng cụ lau ấm:
- Hai chậu nhỏ đựng nước ấm
- Vài cái khăn sạch
- Lúc nào cũng có nước sôi trong bình thủy để sẵn
6. Cách xử trí khi cần hạ sốt khẩn cấp
- Nếu bé uống được, cho uống thuốc hạ sốt. Không chịu uống thì nhét hậu môn thuốc tọa dược như đã nói ở trên
- Tắt quạt, mở máy lạnh mát, nên là 27 độ
- Cởi quần áo bé, đặt bé nằm trên mặt phẳng mềm (tốt nhất là lót khăn ở dưới)
- Pha nước ấm (khoảng 37 độ, sơ thấy ấm tay là được)
- Nhúng khăn vào nước ấm, vắt khô khăn nhẹ (không để lõng bõng nước)
- Lấy khăn ấm này, lau trán, và đắp khăn ở hai bẹn và hai nách bé. Mục tiêu là làm giãn mạch máu để cơ thể dẫn lưu máu nóng ra ngoài da. Tạo điều kiện cho thoát nhiệt qua da bằng bốc hơi và bức xạ nhiệt
- Luân phiên thay khăn, đảm bảo khăn ẩm và ấm nhẹ, cho đến khi nhiệt độ hạ dưới 38 độ mới yên tâm
7. Khi nào đi khám
Sốt cao không hạ
Sốt kéo dài trên 3 ngày
Sốt ở trẻ dưới 3 tháng
Sốt kèm theo các biểu hiện nặng, như: - lừ đừ, co giật - ói mọi thứ - tiêu lỏng nhiều - thở bất thường - cha mẹ lo lắng
Ts. Bs Phan Tiến Lợi
Trưởng khoa Tim mạch, Bv Nhi đồng Thành phố
Phụ trách chuyên môn phòng khám