Khò khè, khụt khịt ở trẻ dưới 12 tháng tuổi

KHÒ KHÈ, KHỤT KHỊT Ở TRẺ NHŨ NHI
Khò khè, khụt khịt là âm thanh phát ra từ đường hô hấp khi trẻ thở. Các các nhân bất thường thoáng qua như dịch mũi, sữa.. hoặc các bệnh lý gây cản trở đường thở của trẻ đều có thể gây ra các âm thanh này.
Sau đây là thông tin, giúp Quý vị phụ huynh có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị khò khè khụt khịt, phân biệt khi nào là bình thường, khi nào là bất thường? một số bệnh lý có thể diễn tiến nguy hiểm? xử trí ban đầu như thế nào? khi nào cần đi Bác sĩ?
1. KHÒ KHÈ, KHỤT KHỊT Ở TRẺ NHỎ DƯỚI 12 THÁNG CÓ BÌNH THƯỜNG KHÔNG?
- Do đường thở trên của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, kích thước nhỏ dễ bị tắc nghẽn bởi dịch tiết đường hô hấp, sữa hoặc niêm mạc bị khô, gây rung động các mô mềm, tạo ra âm thanh khi hít thở.
- Mặt khác, do lứa tuổi này, trẻ thở chủ yếu bằng mũi, trong khi kích thước lỗ mũi trẻ còn nhỏ và rất dễ bị tắc khi bị cảm ho (làm trẻ thở nghe khụt khịt).
- Trẻ khụt khịt, khò khè vùng mũi họng ĐA SỐ là hiện tượng sinh lý bình thường, tự cải thiện khi trẻ lớn lên.
2. XỬ TRÍ TẠI NHÀ RA SAO KHI BÉ CHỈ CÓ KHỤT KHỊT, HO, KHÒ KHÈ NHẸ?
Khi bé nghẹt mũi, khò khè khụt khịt, bạn có thể tự xử lý như sau
Làm thông thoáng đường hô hấp trên:
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi xịt mũi làm thông thoáng đường hô hấp trên. Việc này hỗ trợ rửa sạch các chất gây dị ứng và chất nhầy mỏng, làm bé hắt xì để tống chúng ra ngoài.
- Ngày làm 2 – 3 lần, nhẹ nhàng, không hút mạnh gây tổn thương niêm mạch mũi. Nếu hiệu quả, bạn sẽ thấy bé cải thiện các biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi và và ngủ ngon hơn.
Chú ý cho trẻ dinh dưỡng đủ
- Bé nghẹt mũi, khó bú, khi bú đẩy ra. Có thể cải thiện bằng cách cho bé uống bằng muỗng, trước khi bú vệ sinh mũi họng đảm bảo không bị nghẹt không bị làm tắc mũi họng
- Chia các cữ bú nhiều lần trong ngày, đảm bảo tổng thể tích sữa - nước - bột cháo theo nhu cầu của lứa tuổi. Chú ý vỗ lưng ợ hơi, nằm đầu cao, không ẳm xóc bé, không thay đổi tư thế đột ngột.
Sử dụng máy điều hòa không khí hợp lý đúng cách
- Cần chú ý nguyên tắc 4 không tốt sau: nóng quá không tốt; lạnh và khô quá không tốt; không khí tù đọng trong phòng không tốt; ẩm mốc bụi bặm không tốt
- Nhiệt độ nên là 26 – 27 độ, độ ẩm khoảng 65% (Quý vị có thể tham khảo thông tin về máy điều hòa trên blog này)
3. KHI NÀO KHỤT KHỊT, KHÒ KHÈ LÀ BẤT THƯỜNG?
- Nếu bé khò khè VÙNG PHẾ QUẢN PHỔI thì cần phải cẩn thận. Bạn có thể nhận ra tiếng này, khi áp tai vào ngực của bé, thấy âm thanh khò khè phát ra từ đây.
- Nhưng nếu bé khò khè ngày càng tăng, có khó thở, tím tái, hoặc kéo dài trên 7 ngày không hết thì là bất thường. Các nguyên nhân hay gặp gồm: nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản, thường bẩm sinh về thanh quản, tim mạch, tiêu hóa… cần điều trị.
4. CÁC BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP BIỂU HIỆN VÀ NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
- Viêm tiểu phế quản: khò khè có thể do các tiểu phế quản bị hẹp do sưng, phù nề, tăng tiết dịch. Bệnh dễ diễn tiến nặng gây tắc nghẽn đường hô hấp và do bội nhiễm vi trùng. Khi đó bạn sẽ thấy, sau một vài ngày sốt nhẹ, sổ mũi, khụt khịt, ho ít… bé đột ngột khó thở, thở rút lõm ngực, bú kém, sốt tăng dần. (xem hình dưới đây)
- Trào ngược dạ dày thực quản: cơ vòng thực quản chưa trưởng thành, hoặc bú thể tích nhiều quá, hoặc bé không được ợ hơi sau bú... Khi đó dịch dạ dày có tính axit trào ngược vào đường hô hấp gây kích thích, sưng nề niêm mạc họng, thanh quản và tăng tiết dịch, dẫn đến thở khò khè. Nếu lượng dịch dạ dày quá nhiều có thể gây tím tái tắc thở. (xem hình dưới đây)
- Mềm sụn thanh quản: cấu trúc thanh môn mềm, làm thanh quản bị xẹp vào trong khi hít vào, cũng dẫn đến hiện tượng trẻ thở rít khi hít vào, tăng lên khi trẻ bú hoặc khóc. Phần lớn các trường hợp thường cải thiện dần sau 6-12 tháng khi đường thở phát triển. (xem hình dưới đây)
- Trẻ có cơ địa dị ứng: khi tiếp xúc với các tác nhân như khói bụi, khói thuốc lá..., cơ thể cũng sẽ tiết ra nhiều dịch đờm và nhầy tích tụ lại gây tắc nghẽn đường thở.
- Một số bệnh lý khác ít gặp: có dị vật trong đường hô hấp, dị tật đường thở bẩm sinh, bệnh tim mạch bẩm sinh, u bất thường gây nghẹt đường thở...
5. KHI NÀO CẦN ĐI BÁC SĨ?
- Tất cả các trường hợp nghi ngờ bệnh lý đều cần phải đi Bác sĩ. Ở các trường hợp này, trẻ thở khò khè kéo dài, thường xuyên và kèm theo các biểu hiện như thở nhanh, gắng sức, rút lõm lồng ngực khi thở, cánh mũi trẻ có thể phập phồng, môi tím tái. Trẻ có thể ho dai dẳng, ho khan hoặc có đờm, sốt cao, bú kém hoặc bỏ bú, ngủ li bì hoặc quấy khóc liên tục.
- Ngoài ra, nếu thở khò khè kéo dài trên một tuần mà không cải thiện hoặc có dấu hiệu bất thường kèm theo như sốt, bỏ bú, quấy khóc bất thường..., phụ huynh cần đưa bé đi khám sớm.
(bài viết có tham khảo thông tin của đồng nghiệp, và nguồn mdmanuals)
Ts. Bs Phan Tiến Lợi
Trưởng khoa Tim mạch, Bv Nhi đồng Thành phố
Phụ trách chuyên môn Phòng khám