Rôm sẩy là gì, làm sao biết không phải là các dạng phát ban nguy hiểm khác

1. Rôm sảy là gì?
Rôm sảy còn gọi là ban nhiệt, đây là phản ứng tại chỗ của da với nhiệt độ và với tình trạng ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, ứ đọng mồ hôi dưới da. Khi đó da nổi mẩn đỏ nhỏ, đôi khi có mụn nước nhỏ li ti, bé ngứa, khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon giấc.
2. Nếu trẻ bị rôm sảy, phụ huynh nên làm gì?
- để con sinh hoạt ở nơi thoáng mát, sử dụng quạt hoặc điều hòa, duy trì nhiệt độ phòng khoảng 25-27 độ C.
- hạn chế cho trẻ ra ngoài trời khi nắng gắt.
- tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước mát hoặc nước ấm vừa phải. Trẻ dùng các loại sữa tắm dịu nhẹ, chuyên dụng, lau khô người bé bằng khăn mềm, thấm nhẹ nhàng.
- chọn quần áo rộng rãi, làm từ chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt. Tránh các loại vải sợi tổng hợp, bí hơi, không ủ bé quá kỹ.
3. Khi nào cần đi bác sĩ?
Dù rôm sảy thường lành tính, song phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ:
- nếu tình trạng này không cải thiện sau vài ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
- da xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như nốt rôm sảy sưng to, tấy đỏ, có mủ trắng hoặc vàng, chảy dịch kèm sốt, ngứa dữ dội,.. (xem hình dưới đây)
- trẻ gãi liên tục, quấy khóc nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt...
4. Bác sĩ làm gì khi bé bị rôm sảy nhiều?
Trước tiên và quan trọng nhất là bác sĩ sẽ loại trừ các dạng phát ban hay gặp và nguy hiểm ở trẻ em (xem các hình và diễn giải)
Sau đó, nếu đúng là rôm sảy nhiễm trùng, bác sĩ sẽ hướng dẫn gia đình chăm sóc bé như phần 2 nói trên. Có thể bác sẽ kê một số thuốc:
- Kháng sinh tại chỗ hay kháng sinh dùng đường uống, loại phổ biến trên thị trường là amoxicillin. Một số trường hợp nhiễm trùng nhiều, phải dùng kháng sinh chuyên biệt và mạnh hơn.
- Thuốc giảm triệu chứng ngứa thoa da hoặc đường uống.
5. Một sốt loại ban nguy hiểm hay gặp mùa nóng, có thể nhầm lẫn với rôm sảy
SỐT XUẤT HUYẾT:
- Nốt đỏ li ti như kiểu nốt ruồi son (trong hình tròn màu trắng), thường xuất hiện vào ngày thứ 3, thứ 4 của sốt, khi sót xuất huyết chuyển nặng bé sẽ mệt, ói, đau bụng, tay chân lạnh (rôm sảy thường không có các triệu chứng này) Cần chú ý là ở những bé da sậm màu, thì sẽ khó thấy.
- Biểu hiện nặng của sốt xuất huyết là sốc, trụy tim mạch, tổn thương não, gan, tràn dịch màng bụng, màng tim, chảy máu nội tạng...Các diễn tiến nặng này thường rơi vào ngày 4 - 6 kể từ khi bắt đầu sốt.
SỞI:
- Phát ban dạng đốm dẹt, từ theo thứ tự từ đầu mặt xuống ngực bụng, tay chân. Bé kèm theo triệu chứng sốt, ho, ngứa sổ mũi, chảy nước măt (y khoa gọi là viêm long đường hô hấp). Khác với hầu hết các dạng ban khác, khi phát ban sởi, bé còn sốt cao. Khi ban lặn hết, sẽ để lại các vết sậm màu trên nền ban vừa hết (y khoa gọi là vằn da hổ)
- Khi hết ban, bé có thể trở nặng do bội nhiễm vi trùng: viêm phổi, viêm xoang, viêm màng não...
MÀY ĐAY DỊ ỨNG:
- Dạng nổi gồ trên mặt da, từng đốm mảng, lan nhanh, không theo thứ tự, ngứa. Nặng sẽ sưng mắt, môi, dái tai, sốt nhẹ. Thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng đã biết, hoặc chất lạ. Ở trẻ em, một số trường hợp không rõ chất gây dị ứng
- Dị ứng có thể biểu hiện nặng nhanh chóng gây sốc phản vệ, tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu gợi ý bệnh diễn tiến nặng: sưng húp mi mắt, môi sưng vều, khò khè, sốc, tím tái...
TAY CHÂN MIỆNG:
- Ban tay chân miệng dạng bóng nước, nền đỏ, nhỏ cỡ đầu đũa nhỏ, tiến triển dần đến vết loét. Vị trị đặc trưng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng. Các vị trí thường gặp khác: khuỷu tay, gối, mông..
- Biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là gây viêm não, viêm tim, trụy tim mạch do tổn thương phần cuống não. Dấu hiệu cần nhập viện gấp: sốt cao, ói, run rẩy, giật mình, lơ mơ...
THỦY ĐẬU:
- Thủy đậu có dạng óng nước trên nền da đỏ, nhỏ bằng đầu đũa, sau vài này dịch trong bóng nước chuyển đục, vỡ và thâm đen. Do vậy, ở giai đoạn đầu dễ nhầm với tay chân miệng. Sau khi dịch chuyển đục và thâm đen thì không nhầm được
- Thủy đậu hiếm khi nguy hiểm, trừ một sốt ít bị bội nhiễm da vi trùng do không được chăm sóc và điều trị tốt tổn thương da. Tuy vậy có thể gặp viêm não, viêm phổi, viêm đa dây thần kinh...
Ts. Bs Phan Tiến Lợi
Trưởng khoa Tim mạch, Bv Nhi đồng thành phố
Phụ trách chuyên môn Phòng khám